Liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành cần điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ để chuyển sang Bộ Công an quản lý.
Những đề xuất này bao gồm 7 nội dung như:
- Quản lý việc cai nghiện từ Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội;
- Quản lý lý lịch tư pháp từ Bộ Tư pháp;
- Sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải;
- An ninh cửa khẩu v.v…
Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, Bộ Công an không phải chuyển nhiệm vụ, chức năng nào của mình sang các bộ khác.
Theo giới phân tích, việc điều chỉnh 7 chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan, được đánh giá là một quyết định có thể mang lại cả lợi ích và bất lợi tùy thuộc vào cách triển khai.
Điều đó sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, cụ thể, việc tập trung vào một đầu mối duy nhất, giúp giảm sự chồng chéo, tăng tính thống nhất trong thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, việc giao quá nhiều chức năng cho Bộ Công an có thể dẫn đến tình trạng quá tải, làm giảm hiệu quả quản lý. Việc tập trung nhiều chức năng vào một cơ quan duy nhất có thể làm gia tăng nguy cơ lạm quyền hoặc mất cân bằng quyền lực. Đồng thời, sẽ hạn chế việc kiểm soát và giám sát từ các cơ quan khác trong Chính phủ.
Theo giới chuyên gia, chỉ nên giới hạn trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự và quản lý nhà nước. Các lĩnh vực liên quan đến việc kinh doanh, như việc Bộ Công an sẽ quản lý Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là điều hoàn toàn không nên.
Với lý do, đây là vấn đề đòi hỏi chuyên môn cao, không liên quan đến chức năng của Bộ Công an nên được giữ lại ở các bộ, ngành chuyên trách để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch.
Công an và Quân đội là lực lượng bảo vệ nhà nước và nhân dân, có trách nhiệm duy trì trật tự và an ninh quốc gia. Nếu 2 lực lượng này bị cuốn vào các hoạt động kinh tế, nhiệm vụ bảo vệ quốc gia có thể bị ảnh hưởng.
Đồng thời, nếu để Bộ Công an tham gia quá sâu vào các lĩnh vực như kinh tế, có thể xảy ra tình trạng lạm quyền hoặc ưu ái các doanh nghiệp của họ, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Cũng như, hoạt động kinh tế của Bộ này thường khó kiểm soát và minh bạch, dễ dẫn đến tham nhũng, thất thoát tài sản công, hoặc lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, việc quân đội và công an làm kinh tế trong một số lĩnh vực đặc thù có thể hỗ trợ tốt hơn cho nhiệm vụ chính của họ. Điển hình như một số lĩnh vực liên quan đến sản xuất vũ khí, thiết bị an ninh có thể giúp đảm bảo an ninh quốc gia, và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Trung Quốc đã giảm thiểu vai trò làm kinh tế quân đội và công an, để tập trung vào nhiệm vụ chính. Vì nếu không kiểm soát tốt, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến cả xã hội, và sự phát triển bền vững của đất nước.
Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối, nếu tập trung quyền lực vào một cá nhân, hoặc một tổ chức mà thiếu sự kiểm soát sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, tham nhũng.
Nếu các hoạt động của Bộ Công an không được minh bạch và người dân không có kênh để giám sát hoặc khiếu nại, nguy cơ lạm quyền sẽ tăng cao.
Khi có quá nhiều quyền hạn trong tay, lực lượng công an sẽ tham gia sâu vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quản lý xã hội. Họ sẽ kiểm soát dân chúng quá mức, giám sát các hoạt động cá nhân, hạn chế quyền tự do ngôn luận, và quyền riêng tư của công dân.
Do vậy, các hoạt động của Bộ Công an cần được giám sát bởi Quốc hội, và hệ thống các tổ chức xã hội dân sự để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bộ Công an Việt Nam luôn tìm cách bóp nghẹt các tổ chức xã hội dân sự cũng bởi lý do này.
Trà My – Thoibao.de